“Hội trại Hán ngữ” – những lát cắt cảm xúc của một sinh viên Nhân học

0 Comments

“Hội trại Hán ngữ” – những lát cắt cảm xúc của một sinh viên Nhân học

Thực hành một thói quen cần, thật cần đối với sinh viên Khoa Nhân học. Cứ mỗi chuyến đi thực tế, chúng tôi sẽ phải ghi chép lại những gì mình quan sát được, nhất là những điều có liên quan đến vấn đề mình quan tâm. Một cách thật tự nhiên, chúng tôi cố gắng viết và viết mỗi ngày. Lần này cũng vậy thôi, sau khi trở về từ chuyến đi 7 ngày 6 đêm nơi đất Quảng Tây, khi đặt bút xuống tổng hợp lại những gì mình đã ghi chép, cứ nghĩ là thường, mà sao tôi lại khá băn khoăn…

Đêm đầu tại Nam Ninh nhìn từ khách sạn Zhuang Yuan Po
Đêm đầu tại Nam Ninh nhìn từ khách sạn Zhuang Yuan Po

Thực sự thì đây không phải là lần đầu tiên tôi đến với Quảng Tây, nhưng đến đây với tư cách là một thành viên chính thức trong đoàn sinh viên đại diện cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia “Hội trại Hán ngữ” thì là lần đầu được trải nghiệm. Có lẽ thế nên sau khi nhìn lại cả hành trình, thay vì theo chỉ gạch đầu dòng một cách cứng nhắc, tôi quyết định ngồi xuống và viết lại những mẩu chuyện nho nhỏ dọc theo timeline của cuộc hành trình.

Ngày thứ nhất, 18.11.2018

4:45 AM

Trời vẫn còn tối mịt và mưa bay bay. Tôi nhanh chóng mang theo hành lý đến sân trường. Tưởng còn sớm, tôi định lặng lẽ tìm chỗ đứng ở một khoảng sân. Nào biết, mọi người đã đến trường từ khá sớm, hào hứng trò chuyện với nhau xôn xao cả sân trường.

Nói qua một chút lý do của chuyến đi lần này, có lẽ bởi tôi là một sinh viên khoa Nhân học nên khi được biết “Hội trại Hán ngữ” là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm, để có một cái nhìn rõ nét hơn dù chỉ thoáng qua về nền văn hoá Trung Quốc nói chung và nền văn hoá dân tộc Choang nói riêng, tôi đã cảm thấy hứng thú và ngay lập tức muốn được tham gia.

Các sinh viên Khoa Nhân học - Trường ĐHKHXH&NV trong chuyến đi Hội trại Hán ngữ 2018
Các sinh viên Khoa Nhân học – Trường ĐHKHXH&NV trong chuyến đi Hội trại Hán ngữ 2018

g trình do Trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức, nhằm thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi văn hoá giữa sinh viên hai nước. Đây không phải là lần đầu chương trình được tổ chức mà đã trải qua nhiều năm rồi và có lẽ sẽ còn được tổ chức tiếp trong tương lai.

7:30 PM

Sau một ngày dài di chuyển, chúng tôi tới Khách sạn Zhuang Yuan Po. Dù khá mỏi song cho thoả chí tò mò, mặc kệ ngoài trời khá lạnh và tối, không gian xung quanh ẩm nước mưa, ngay sau khi nhận phòng và cất tạm hành lý, tôi cùng chị Lệ – bạn cùng phòng và cũng là một trong hai sinh viên tôi biết trước khi bắt đầu chuyến đi – cùng nhau đi khám phá xung quanh.

Một góc sân trường Đại học Quảng Tây, Nam Ninh, Trung Quốc
Một góc sân trường Đại học Quảng Tây, Nam Ninh, Trung Quốc

Ngày thứ hai, 19.11.2018

Theo đúng lịch hẹn, chúng tôi đi tham quan sân trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Một buổi sáng lạnh giá nhưng ai cũng tràn đầy hào hứng vì bắt được những góc rất đẹp trong trường để chụp ảnh check-in. Việc có nguyên một buổi sáng được hít thở không khí ngày mới và cùng đi bộ trò chuyện với bạn bè khiến tôi thấy thật thoải mái và dễ chịu. Một sự khởi động không thể tốt hơn để bắt đầu một ngày mới, có lẽ thế.

Ngày thứ ba, 20.11.2018

Sáng sớm, trời mưa rả rích, cũng chính vì thế mà tôi không đem theo máy ảnh cơ cho chuyến đi đến Động Yi Ling. Một quyết định sai lầm của sự không tìm hiểu trước bởi khi đến đây, du khách không chỉ được tham quan động mà còn được giới thiệu về nền văn hoá của dân tộc Choang.

Đến thăm Yi Ling, tôi đã có cơ hội để chứng kiến cách mà người dân tộc Choang quảng bá cho văn hoá của dân tộc mình tại những điểm du lịch. Theo như lời giới thiệu của người hướng dẫn viên, trên thực tế không hề tìm thấy dấu tích cư trú của người dân tộc Choang ở trong động. Tuy nhiên, khi tới đây, khách du lịch vẫn sẽ được dẫn đến tham quan làng của người dân tộc Choang (Zhuang Village).

Ngày thứ tư, 21.11.2018

Đối với một sinh viên Nhân học như tôi mà nói, được đến thăm Bảo tàng Dân tộc học là một sự hứng thú không nhỏ. Dù rất hào hứng cho chuyến đi hôm nay, nhưng thời tiết không chiều lòng người, vẫn giá lạnh và mưa vẫn tí tách không ngừng.

Tham quan Khổng miếu
Tham quan Khổng miếu

Đầu tiên chúng tôi đến thăm Khổng miếu. Sau đó chúng tôi di chuyển đến Bảo tàng Dân tộc học. Lần này tôi may mắn được là một trong một số ít người được đi vào phía bên trong bảo tàng để tham quan. Bởi một số lý do khách quan nên thời gian tham quan bảo tàng khá ngắn, chính vì vậy tôi cố gắng đi thật nhiều nơi để lưu giữ càng nhiều tư liệu càng tốt. Khi đến phòng trưng bày, bởi có một số điều không hiểu nên tôi có làm quen và hỏi một nhóm khách bản địa cũng đến đây tham quan. Họ rất thân thiện và nhiệt tình giải thích cho tôi những phần chú thích được ghi bằng tiếng Trung mà tôi không hiểu. Thực sự rất tuyệt khi được nhận sự giúp đỡ của họ. Họ giải thích cho tôi mô hình được dựng kia chính là tái hiện lại khung cảnh của một gia đình người Choang đang làm một loại bánh truyền thống Zongzi của họ. Tôi cứ đánh liều nói bằng tiếng Trung với họ và chúng tôi đã có những cuộc hội thoại ngắn ngủi nhưng vui vẻ. Đặc biệt tôi nhớ một bác có hỏi tôi một câu, rằng, người dân tộc Choang và người Việt Nam liệu có giống nhau không, có phải là một không? Đây quả là một vấn đề thú vị và cũng có liên quan chút ít đến ngành Nhân học của chúng tôi. Câu hỏi thật thú vị, bất ngờ. Quả thực là tôi và có lẽ nhiều sinh viên khác nữa chưa hề mảy may nghĩ tới điều này dù chỉ chợt thoáng qua. Với chút kiến thức eo hẹp, cũng chẳng biết là có đang “đánh trống qua nhà sấm” hay không, tôi giải thích cho họ, bằng thứ tiếng Trung khá tệ của mình rằng dân tộc Choang ở Quảng Tây với dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam khá tương đồng.

Mô hình tái hiện gia đình dân tộc Zhuang đang làm bánh Zongzi tại Bảo tàng Dân tộc học
Mô hình tái hiện gia đình dân tộc Zhuang đang làm bánh Zongzi tại Bảo tàng Dân tộc học

Ngày thứ năm, 22.11.2018

Hôm nay, chúng tôi được tham quan khu Ký túc xá cho du học sinh của Trường Đại học Quảng Tây, sau đó là lễ bế mạc kết thúc “Hội trại Hán ngữ” năm nay. Kết thúc lễ bế mạc, tôi may mắn được làm quen với một người bạn Trung Quốc. Chị ấy tên là Vương Lệ Bình, là sinh viên khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Quảng Tây. Chúng tôi đã có một ngày đi chơi thật nhiều nơi ở Quảng Tây, có những câu chuyện được chia sẻ với nhau bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung đan xen, thật là “song ngữ kỳ phùng” nhưng an ủi phần nào là vẫn hơn nói chuyện bằng tay. Sau buổi ấy, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau và hẹn một ngày chị qua Việt Nam chơi và chúng tôi lại sẽ cùng nhau luyện tiếng.

Một ngày đi chơi cùng Vương Lệ Bình (ngoài cùng bên phải)
Một ngày đi chơi cùng Vương Lệ Bình (ngoài cùng bên phải)

Ngày thứ sáu, 23.11.2018

Một ngày đi tới khu trung tâm mua sắm kết hợp với khu trò chơi. Thực sự tôi không phải một người thích chơi các trò chơi nên đã mang máy ảnh đi chụp lại những gì thú vị xung quanh. Chủ yếu là tôi chụp ảnh các em nhỏ dễ thương mà mình bắt gặp. Đằng sau mỗi bức ảnh chụp các em nhỏ là một câu chuyện và có thể nói rằng, những em bé ấy đã cho tôi một ngày thứ 6 với những kỷ niệm thật tuyệt vời. Có lẽ, chơi với trẻ con bao giờ cũng vui hơn.

Có lễ ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là cô bé này. Em rất đáng yêu và thoải mái khi trò chuyện với tôi. Nhưng điều quan trọng hơn chính là, sau khi được tôi cho xem bức ảnh chụp bản thân mình, em rất vui và không quên nói lời cảm ơn
Có lễ ấn tượng sâu sắc nhất với tôi chính là cô bé này. Em rất đáng yêu và thoải mái khi trò chuyện với tôi. Nhưng điều quan trọng hơn chính là, sau khi được tôi cho xem bức ảnh chụp bản thân mình, em rất vui và không quên nói lời cảm ơn

Ngày thứ bảy, 24.11.2018

Thời gian thấm thoát thoi đưa, đã đến lúc phải kết thúc hành trình. 7 ngày đến với Nam Ninh, đến với Đại học Quảng Tây, thời gian không ngắn cũng chẳng dài nhưng đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một cuộc hành trình với những lần di chuyển tưởng như bất tận bằng ô tô, những cuộc nói chuyện đầy ngẫu hứng với những con người xa lạ và cả những niềm vui bé nhỏ nhưng đầy bất ngờ. Đây thực sự là một trải nghiệm quý báu mà tôi sẽ không thể nào quên từ chuyến hành trình “Hội trại Hán ngữ” năm 2018.

 

Ngày cuối cùng của đoàn ở đất Nam Ninh cùng chiếc xe quen thuộc
Ngày cuối cùng của đoàn ở đất Nam Ninh cùng chiếc xe quen thuộc

Trần Thị Tùng Lâm – K62 Nhân học