CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC NGÀNH NHÂN HỌC NĂM 2015

0 Comments

1. Về kiến thức và năng lực chuyên môn
1.1. Về kiến thức
Các cử nhân ngành nhân học có những tri thức cơ bản về các lĩnh vực của ngành Nhân học để đảm nhiệm các công việc nghiên cứu, giảng dạy và thực hành Nhân học;
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; và có kiến thức cụ thể và năng lực chuyên môn như sau:
1.1.1. Hiểu biết những kiến thức liên ngành về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học và công nghệ
– Có kiến thức đại cương về lịch sử thế giới và Việt Nam;
– Nắm vững những kiến thức cơ sở về kinh tế, xã hội, nhà nước và pháp luật;
– Có kiến thức về môi trường tự nhiên và xã hội;
– Kiến thức chung về khoa học xã hội và nhân văn.
1.1.2. Có kiến thức về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học
– Có kiến thức đại cương về các vấn đề cơ bản của phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội;
– Nắm vững và có khả năng vận dụng các kiến thức cơ bản về phương pháp nghiên cứu vào giải quyết các vấn đề khoa học xã hội nói chung và nhân học nói riêng;
1.1.3. Có kiến thức cơ bản về các lĩnh vực của ngành Nhân học
– Có kiến thức cơ bản về các khía cạnh khác nhau của nhân học văn hóa – xã hội, nhân học ngôn ngữ, nhân học phát triển, khảo cổ học, về các phương pháp và kĩ năng nghiên cứu nhân học;
– Nắm vững và có khả năng vận dụng các kiến thức cơ bản của nhân học vào nghiên cứu, giảng dạy và thực hành nhân học;
1.1.4. Có kiến thức về ngành Nhân học
– Nắm vững kiến thức về nhân học sinh học, nhân học tôn giáo, nhân học y tế, nhân học sinh thái, nhân học đô thị, nhân học về giới, nhân học hình ảnh, nhân học chữ viết, nhân học nghệ thuật;
– Nắm vững kiến thức về tộc người, tính tộc người, quan hệ tộc người, văn hóa tộc người ở Việt Nam và trong khu vực;
– Nắm vững kiến thức cơ bản về các vấn đề văn hóa, kinh tế và xã hội, các vấn đề về làng xã, thân tộc, hôn nhân, gia đình, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội ở Việt Nam;
– Có khả năng vận dụng các kiến thức cơ bản và phương pháp nghiên cứu của ngành của nhân học vào nghiên cứu, giảng dạy, thực hành nhân học như giảng dạy về nhân học, về văn hóa – xã hội cho các chương trình đào tạo đại học và cao đẳng cho các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu, nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề liên quan đến thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo tồn văn hóa ở Việt Nam.
1.1.5. Có khả năng sử dụng ngoại ngữ cơ bản với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
1.2. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
– Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
2. Về kỹ năng
2.1. Kỹ năng chuyên môn
– Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;
– Nắm vững các quan điểm và cách tiếp cận nhân học, năng lực tư duy và lập luận theo cách tiếp cận hệ thống, tư duy lôgic, tích cực và sáng tạo, bước đầu biết giải quyết các vấn đề học thuật liên quan đến lĩnh vực nhân học nói chung và các vấn đề của thực tiễn xã hội Việt Nam đương đại nói riêng;
– Nắm vững kiến thức cơ bản, các kĩ năng và công cụ nghiên cứu của nhân học;
– Biết vận dụng và có khả năng thực hành ở mức độ cơ bản những phương pháp và công cụ của nhân học, cụ thể là các phương pháp và kĩ thuật như quan sát tham gia, phỏng vấn sâu, đánh giá nhanh, thảo luận nhóm; bước đầu biết xây dựng, quản lí và triển khai các dự án nghiên cứu lí thuyết và nghiên cứu ứng dụng liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội, tộc người, tôn giáo tín ngưỡng, phát triển, bảo tồn, xóa đói giảm nghèo, quản lí và sử dụng các nguồn tài nguyên, v.v. phục vụ công tác hoạch định và thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và các tổ chức dân sự.
2.2. Kỹ năng bổ trợ
– Nắm vững các kĩ năng làm việc độc lập; rèn luyện cách tự học hỏi và tự nghiên cứu, khả năng làm việc theo nhóm, các kĩ năng quản lí thời gian cá nhân, kĩ năng tổ chức, lập kế hoạch và phân bổ công việc cá nhân, có kĩ năng đặt câu hỏi, kĩ năng trình bày, thuyết trình và trao đổi công việc chuyên môn;
– Biết vận dụng và có thể sử dụng ở cấp độ cơ bản một số phần mền vi tính thông dụng và làm quen với một số phần mền chuyên dụng cho ngành học; sử dụng ở cấp độ cơ bản Internet và email; bước đầu biết khai thác các nguồn tài liệu trên Internet và sử dụng được các thiết bị văn phòng phổ thông khác phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và giải quyết các công việc chuyên môn khác;
– Có kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
3. Về phẩm chất đạo đức
– Có những tư chất của một con người trung thực, sáng tạo;
– Có đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp của một nhà nhân học chuyên nghiệp;
– Có khả năng thích ứng với cuộc sống, có ý thức sống và làm việc vì sự phát triển xã hội và tuân thủ pháp luật của nhà nước.
4. Những vị trí công tác mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
– Nhóm 1: nghiên cứu viên và giảng viên có khả năng đảm nhiệm công việc nghiên cứu, giảng dạy ở các bậc đại học và sau đại học về con người, văn hóa và xã hội loài người, thực hành phát triển và bảo tồn ở các cơ quan bảo tàng, khu du lịch, khu bảo tồn, thư viện, v.v;
– Nhóm 2: viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng và hệ thống chính quyền Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội khác có nhu cầu sử dụng tri thức nhân học và phương pháp nghiên cứu của nhân học, v.v;
– Nhóm 3: cán bộ tư vấn và thực hành nhân học có khả năng đảm nhiệm các công việc ứng dụng phục vụ việc hoạch định và triển khai các chính sách xã hội, như nghiên cứu chính sách, đánh giá tác động, đánh giá nhu cầu, nghiên cứu điều tra dân tộc học, làm chuyên gia về phát triển cộng đồng, về phát triển xã hội, đảm nhiệm các công việc quản lí và điều hành chương trình/dự án nghiên cứu hoặc ứng dụng liên quan đến tri thức và phương pháp nghiên cứu của nhân học;
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
– Có khả năng theo học các chương trình đào tạo bậc sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) ở trong nước và nước ngoài.