Tết truyền thống có đang mai một?
Bỏ Tết cổ truyền hay gộp tết ta vào tết tây là câu chuyện gây tranh cãi hàng chục năm qua, chưa đi đến hồi kết. Trong khi nhiều thứ đang dần biến mất như “cây nêu, tràng pháo” hay không khí gia đình của “nồi bánh chưng xanh bên bếp lửa hồng” lại ít được bàn tới.
Tết ta – tết tây
Tết ta là tết Nguyên Đán, tết cổ truyền của người Việt, điều đó ai cũng biết. Nhưng từ tết bắt nguồn từ tiết – liên quan đến nghi lễ lịch tiết theo đặc trưng khí hậu của Việt Nam không phải ai cũng biết. Tết chính là thời khắc giao mùa để đất trời chuyển sang một trạng thái mới. Nó không chỉ mang đến sự thay đổi về thời tiết mà còn là thời điểm thiêng liêng khởi đầu cho một năm mới. Chúng ta có thể thêm bớt một vài ngày nghỉ nhưng không thể “thay Trời” chuyển đổi lịch tiết, hay biến tết ta thành tết tây.
Trong khi Tết tây là ngày đầu năm mới theo Công lịch được chuẩn hóa bởi Gaius Julius Caesar (Xê-da) năm 46 TCN và có hiệu lực từ năm 45 TCN, với 365 ngày/năm được chia thành 12 tháng cho mỗi năm cùng một năm nhuận sau mỗi 4 năm. Năm 1582 nó được điều chỉnh lại dưới thời Giáo hoàng Gregorius nên còn được gọi là lịch Gregory bên cạnh những cách gọi phổ biến là Tây lịch, Công lịch, Dương lịch. Đây là loại lịch được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới vì tính khoa học và những sự tiện lợi mà nó mang lại, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, từ khi du nhập lịch tây và tết tây, Việt Nam chỉ sử dụng những tiện ích của lịch này trong công việc chứ không theo lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo La Mã nên chỉ nghỉ duy nhất một ngày (1/1). Như vậy, kỳ nghỉ tết tây ở Việt Nam hiện nay hầu như không ảnh hưởng đến “năng suất lao động” so với 104 ngày nghỉ cuối tuần trong năm cùng nhiều ngày lễ khác như 30/4, 1/5, 2/9 và Giỗ tổ hiện hành.
So với kỳ nghỉ tết ở nhiều nước phương tây thường kéo dài từ Noel (24/12) đến hết tết Dương lịch thì kỳ nghỉ chính thức 3 ngày của tết ta không dài. Do đặc trưng của đời sống nông nghiệp hàng nghìn năm qua nên công việc chuẩn bị thường kéo dài hàng tháng trước tết và người dân làm nông ngiệp “ăn tết” đến “ra Giêng, ra Hai”. Còn đối với các lĩnh vực khác như công nghiệp và dịch vụ thì tết chính là mùa “làm ăn” cao điểm với lưu lượng hàng hóa tăng đột biến.
Như vậy, nghỉ tết nhiều hay ít là tùy thuộc vào công việc và nghề nghiệp của mỗi người, mỗi ngành. Nếu bỏ tết ta một cách “duy ý chí” không chỉ khiến cho sinh hoạt truyền thống của người dân bị đảo lộn mà còn khiến cho các ngành nghề phục vụ tết bị thất thu. Bỏ cái gì và giữ cái gì không phải là để “nâng cao năng suất lao động” như câu chuyện của các nhà kinh tế mà đó là cái “lề” cần giữ lại của văn hóa Việt Nam nếu như nền kinh tế “nửa thị trường – nửa kế hoạch” của chúng ta tan biến trong cơn “sóng thần” toàn cầu hóa.
Tết có đang mai một?
Không biết từ bao giờ câu thành ngữ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã in sâu vào tâm khảm người Việt Nam như những biểu tượng không thể thiếu của ngày tết cổ truyền. Giờ đây “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” tuy vẫn còn đó nhưng đã bị “tôm hùm Alaska”, “cá hồi Na Uy” hay “Tu-hài Canada” trong bữa ăn của người giàu lấn át. Còn với đại đa số người dân bình thường thì “ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà” là đã có tết rồi!
Cây nêu, tràng pháo giờ đã đi “xa thật xa” chỉ còn pháo hoa đêm Giao thừa trộn lẫn với bụi mịn nơi đô thị. Pháo đất, pháo thụt cùng những trò chơi của trẻ em khi xưa, giờ chỉ còn trong ký ức. Thứ duy nhất còn lại trong các gia đình giờ đây là những chiếc bánh chưng xanh. Nhưng không khí gia đình bên nồi bánh chưng xanh bốc khói cũng đang dần lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho vô số nhu cầu thời hiện đại cùng các tour du lịch trong và ngoài nước.
Tết là thời điểm để mỗi người trong chúng ta tổng kết năm cũ và ước vọng cho năm mới. Có lẽ vì vậy mà thời điểm sum họp dịp tết là vô cùng thiêng liêng đối với mọi người và mọi gia đình. Nhưng internet, smartphone cùng Facebook, Zalo ngày càng lấn át những cơ hội giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Giờ đây, một tin nhắn hay một biểu tượng “chúc mừng năm mới” gửi hàng loạt ngày càng phổ biến thay cho cái cảnh “gần xa nô nức yến anh” trong tiết Thanh minh xưa. Dường như tết nay chỉ còn là dịp để nghỉ ngơi phục hồi năng lượng bởi nhịp sống hiện đại đầy áp lực cuốn hầu hết mọi người hối hả vào cuộc mưu sinh. Nhưng tết cũng chính là lúc chúng ta cần thời gian để suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai của chính mình.
Dịch bệnh ba năm qua đang khiến tất cả chúng ta phải “ngồi nhà”. Âu đó cũng là lúc để biến cái “nguy” thành cái “cơ”, bởi đây chính là cơ hội vàng để mọi người thân trong gia đình quây quần bên nhau lâu nhất. Nếu biết trân trọng thời khắc này, mỗi chúng ta sẽ thấy được giá trị thực sự của “vui ba ngày tết” như cái cách mà cha ông chúng ta đã gìn giữ lại từ bao đời.
Ăn tết – mất gì và được gì?
Có lẽ, giá trị lớn nhất của tết chính là cơ hội để sum vầy, suy ngẫm và chiêm nghiệm. Đời sống vật chất dư thừa chẳng có ích gì nếu như tâm hồn của chúng ta trống rỗng. Đừng tiếc thời gian thảnh thơi trong dịp tết mà dồn hết vào kiếm tiền trong cuộc mưu sinh. Cha ông chúng ta dù không thừa thãi vật chất nhưng cái truyền thống nơi “đất lề quê thói” mới thật đáng trân trọng. Nhờ đó mà trẻ em được lớn lên trong một môi trường lành mạnh và không ô nhiễm. Một đời sống tinh thần tốt đẹp mới có thể mang lại hạnh phúc thực sự cho mỗi người. Dù cuộc sống bộn bề nhưng tất cả chúng ta đều mong muốn “dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình”. Đó sẽ là cái “lề” cuối cùng níu giữ chúng ta trong trận cuồng phong công nghiệp hóa và cơn “sóng thần” toàn cầu hóa đang quét qua mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
PGS.TS. Đinh Hồng Hải