Môi trường học tập

Cơ hội nghề nghiệp cho người có bằng Nhân học

Thành công không phải là chìa khóa để hạnh phúc

Hạnh phúc là chìa khóa để thành công

Bạn sẽ thành công nếu bạn thích những gì mình đang làm

Albert Schweitzer

Giống như nhiều sinh viên khác, bạn có thể đang theo học ngành Nhân học, học những môn bắt buộc và đăng ký những môn tự chọn, nhưng không chắc lắm là mình sẽ làm gì sau ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Giống như nhiều ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ khác, bạn cũng có thể đã nghe: Ồ học Nhân học à, bạn có thể sẽ được đào tạo rất tốt, nhưng ít cơ hội việc làm. Hoặc một số người thì khuyên rằng: Nếu bạn muốn có một sự nghiệp tươi sáng, hãy chọn ngành Y, Kế toán, Tài chính, hay Ngân hàng, đừng chọn Nhân học.

Và bạn lo lắng rằng có thể họ nói đúng. Nhưng liệu những ngành học đó có phải dành cho bạn không? Bạn có thật sư quan tâm đến những ngành học đó không?

Vậy bạn làm gì trong thế giới này với tấm bằng cử nhân ngành Nhân học? Bạn sẽ tốt nghiệp chỉ với những khả năng chuyện trò với mọi người về rất nhiều chủ đề khoa học và thực tiễn thú vị về văn hóa và xã hội? Và có một điều chắc chắn là những cuộc chuyện trò như thế không mang lại tiền bạc.

Đã đến lúc hãy gạt bỏ những lo sợ đó sang một bên và bắt đầu bằng một kế hoạch học tập nghiêm túc, bạn sẽ thấy rằng người có tấm bằng Nhân học có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau. Tìm kiếm một việc làm với một tấm bằng cử nhân ngành Nhân học không phải là việc khó như bạn hay bạn bè và người thân của bạn nghĩ. Bạn chỉ cần sáng tạo, tưởng tượng và chuẩn bị để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp đó.

Nhân học là một lĩnh vực rộng lớn. Những cơ hội nghề nghiệp đối với các nhà Nhân học cũng rất đa dạng. Giống như nhiều ngành học khác, càng được đào tạo tốt và càng có nhiều trải nghiệm thì bạn càng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn.

1.  Những kỹ năng bạn cần có

Bên cạnh tri thức cơ bản về ngành học, chẳng hạn như các phương pháp điền dã dân tộc học, những đặc tính của các nền văn hóa cụ thể, sinh viên ngành Nhân học cần trang bị và tích lũy nhiều loại kỹ năng khác nhau. Các kỹ năng này có thể được ứng dụng vào nhiều ngành học khác nhau như kinh doanh, nghiên cứu, giảng dạy và các dịch vụ công. Các kỹ năng và trải nghiệm bạn cần tích lũy bao gồm:

  • Các kỹ năng giao tiếp dưới các hình thức khác nhau.
  • Phỏng vấn.
  • Quan sát.
  • Xây dựng và kiểm tra giả thuyết.
  • Triển khai và thuyết minh nghiên cứu khoa học.
  • Viết các báo cáo mô tả và các báo cáo phân tích.
  • Các kỹ năng tư duy phản biện theo hướng tiếp cận tích hợp và tổng thể đối với các hệ thống xã hội và tổ chức.
  • Phân tích nguyên nhân của các vấn đề xã hội.
  • Giao tiếp quốc tế, liên tộc người và xuyên văn hóa.
  • Làm việc một cách hợp tác với người đến từ những ngành học và văn hóa khác nhau.
  • Các kỹ năng ngoại ngữ.
  • Đọc phân tích.
  • Các kỹ năng vi tính, thống kê và quản lý dữ liệu.
  • Lưu trữ cẩn thận.
  • Chú ý đến chi tiết.
  • Thoải mái trong các nền văn hóa ngoại quốc.

Một trong những cách quan trọng nhất để phát triển các kỹ năng ứng dụng là thông qua những trải nghiệm thực tiễn thu được từ các đợt thực tập và việc làm tình nguyện.

2. Những cơ hội việc làm tiềm năng

Những kỹ năng vừa liệt kê ở trên trực tiếp và gián tiếp mở ra những cơ hội việc làm. Người có bằng cử nhân ngành nhân học tìm được việc làm ở các bảo tàng, vườn thú và các cơ quan giáo dục, các đơn vị dịch vụ xã hội hoặc khu vực nhà nước và tư nhân, các tổ chức liên quan đến dân, văn hóa và tộc người, các cơ quan y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các cơ quan viện trợ nước ngoài, các doanh nghiệp quốc tế, các cơ quan quảng cáo, các công ty phát triển thị trường, các cơ quan quản lý tài nguyên văn hóa, các cơ quan nghiên cứu giáo dục, các cơ quan phát triển kinh tế và nhiều cơ quan khác. Có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ Nhân học sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn và cho phép bạn giành được những vị trí cao hơn và mức lương tốt hơn.

3. Các chiến lược tăng cường cơ hội việc làm

Một số cách tiếp cận dưới đây sẽ giúp bạn có cơ hội việc làm tốt hơn:

a)     Hãy chọn ngành kép để trang bị cho mình nhiều kỹ năng hơn. Những lựa chọn tốt là kết hợp Nhân học với Lịch sử, Sinh học, Công tác Xã hội, các ngành Khoa học Môi trường hoặc thậm chí là Khoa học Máy tính.

b)     Hãy sáng tạo. Hãy thiết kế chương trình học tập hướng tới một lĩnh vực cụ thể hoặc để khởi nghiệp cho riêng mình.

c)     Học ít nhất một ngoại ngữ. Có khả năng tốt về ngoại ngữ sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho bạn.

d)     Thành thạo các kỹ thuật vi tính, làm chủ các kỹ năng sử dụng internet.

e)     Làm giàu lý lịch khoa học của mình từ khi còn ở trường đại học. Cố gắng có càng nhiều trải nghiệm càng tốt thông qua những đợt thực tập hoặc công việc tình nguyện. Hãy giúp giảng viên trong các đề tài hay dự án nghiên cứu. Tham gia các công việc tình nguyện ở bảo tàng hoặc các tổ chức chuyên môn. Việc làm của bạn sẽ mang lại những gợi ý cho tương lai công việc hoặc đào tạo sau đại học.

f)      Hãy cân nhắc học sau đại học một cách nghiêm túc. Hầu hết những việc làm tốt trong Nhân học yêu cầu ít nhất là trình độ Thạc sĩ, còn trình độ Tiến sĩ là bắt buộc với công việc giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học và viện nghiên cứu.

4.  Tự đánh giá bản thân

Tự đánh giá là một quá trình trong đó bạn nhận dạng về tri thức chuyên ngành, về những kinh nghiệm, giá trị, nhu cầu và mục tiêu của chính mình. Tự đánh giá là cơ sở để bạn vạch kế hoạch cho sự nghiệp của mình và cho quá trình tìm kiếm công việc. Tự đánh giá bao gồm việc tự xem xét về những khó khăn của mình. Việc tự đánh giá nên hướng tới việc hiểu rõ những đặc điểm cá nhân của bạn, các giá trị cá nhân, hình thức và nhu cầu kinh tế, mục tiêu lâu dài, các kỹ năng cơ bản, những kỹ năng sở trường và những kỹ năng sở đoản của bạn. Thông qua việc tự đánh gia, bạn có thể hiểu về mình rất rõ ở một số khía cạnh, song còn mập mờ ở một số khía cạnh khác. Những gì bạn hiểu về mình thông qua tự đánh giá sẽ giúp bạn tìm kiếm việc làm tốt hơn. Vậy làm thế nào để tự đánh giá bản thân mình?

Quá trình tự đánh giá diễn ra một cách tự nhiên ở mọi nơi mọi lúc. Ai đó có thể yêu cầu bạn làm rõ một vấn đề nào đó, hay tại sao bạn lại mua một món đồ nào đó. Bạn đáp lại thế giới và thế giới đáp lại bạn. Bạn hiểu về những mối tương tác này như thế nào và bất kỳ một sự thay đổi nào mà bạn có thể tạo ra vì những mối tương tác đó là một phần của quá trình tự tìm kiếm một cách tự nhiên. Tuy nhiên, có một cách hiệu quả và toàn diện hơn để tiếp cận tự đánh giá liên quan đến cơ hội việc làm.

Vì tự đánh giá là một bài tập phức tạp nên chúng ta có thể chia nó thành một quá trình gồm 7 bước như sau:

a)     Tìm hiểu về những tính cách riêng của mình.

b)     Nhận dạng các giá trị cá nhân.

c)     Tính toán những nhu cầu kinh tế.

d)     Khám phá những mục tiêu lâu dài.

e)     Đánh giá những kỹ năng mình có.

f)      Nhận dạng những kỹ năng sở trường.

g)     Phát hiện những kỹ năng cần tiếp tục bồi dưỡng.

PGS. TS. Nguyễn Văn Sửu

Nguồn: Blythe Camenson 2004. Great Jobs for Anthropology Majors. VGM Career Books (second edition)

They don’t even need https://college-homework-help.org/ ap geography homework help.