ĐIỂM SÁCH “THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC: BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS”

0 Comments

THIÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỊA NGỤC: BÀI HỌC TỪ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS

Mở ra những trang sách đầu tiên của “Thiên đường và địa ngục: Ghi chép trong đại dịch Coronavirus” của Đinh Hồng Hải, những gì người đọc được trao gửi không phải là nhật ký hay hồi ký về đại dịch mà là một cái nhìn đối sánh của tác giả về một thế giới, nơi có cả thiên đường và địa ngục. Tác giả khởi đầu bằng những trải nghiệm của mình về những năm tháng là sinh viên Harvard để từ đó mang đến cho người đọc những hình dung rõ nét và sống động về ngôi trường này. Trong chương 1, Giấc mơ Mỹ, tác giả đã lý giải chi tiết phương thức hoạt động tinh vi và hiệu quả để biến Harvard thành một “cỗ máy chất xám”, một “lò đào tạo nguyên thủ”, hay “cái nôi ra đời” của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Từ những thành tựu đó, tác giả đã chỉ ra hệ thống quản trị hiệu quả và tố chất con người đã tạo nên thành quả cũng như danh tiếng của Harvard. Với những mô tả hết sức cụ thể cùng phong cách viết giản dị nhưng lôi cuốn, tác giả đã mang đến những nhận định có giá trị. Tác giả không chỉ mô tả những gì trải nghiệm ở Mỹ mà còn đối sánh với kinh nghiệm làm việc của mình ở Việt Nam. Bằng tư duy của một nhà khoa học, ông so sánh hiệu quả công việc của hai hệ thống và lý giải tại sao cùng một quãng thời gian như nhau nhưng hiệu quả công việc lại vô cùng khác nhau ở Mỹ và Việt Nam. Chương viết này đặc biệt phù hợp với những học sinh, sinh viên có quan tâm hoặc có ý định đến Harvard hay đi du học ở Mỹ nói chung.

Chương 2, Đại dịch Coronavirus là những ghi chép của tác giả trong những ngày Hà Nội cách ly. Dòng đầu tiên, tiếng ai đó kêu lên “toang rồi, Hà Nội toang rồi” như đánh thức tác giả cần phải ghi chép lại những gì đã và đang diễn ra. Mỗi ngày mỗi giờ trôi qua với biết bao sự kiện cho đến khi Việt Nam khống chế được dịch bênh ngày 26/4/2020. Những ghi chép này vừa là một cuốn sách phi hư cấu nhưng cũng có thể được coi như một cuốn hồi ký, nhật ký hay bút ký của tác giả. Đây là những dòng nhật ký đẹp đẽ nhất về một giai đoạn vàng son của quá trình dập dịch ở Việt Nam với một kết quả xuất sắc. Nó là nguồn khích lệ to lớn trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh quay trở lại mạnh mẽ hơn và nguy hiểm hơn.

Liệu rằng Việt Nam có vượt qua được đợt bùng phát thứ hai này không? Câu hỏi đó không ai dám trả lời một cách chắc chắn nhưng có một điều chắc chắn rằng việc ghi chép về đại dịch này sẽ là một bài học không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả nhân loại. Từ cảm hứng khi đọc Nhật ký Anne Frank, tác giả đã khơi gợi cho chúng ta về tầm quan trọng của việc đọc và ghi chép mà các sử gia, các học giả và cả những người bình thường như Anne Frank đã để lại cho chúng ta và muôn thế hệ mai sau. Những câu danh ngôn, những lời huấn thị của cổ nhân, nếu không được ghi lại trong các tác phẩm kinh điển thì chắc rằng chúng đã biến vào hư vô.

Thế giới sau đại dịch là một phần của chương 3, đây là một phần viết ngắn nhưng lại mang đến cho người đọc nhiều ưu tư hơn bất cứ phần nào của cuốn sách. Theo tác giả, thế giới sau đại dịch (ACP) là một thế giới hoàn toàn thay đổi cả về kinh tế, y tế, khoa học, giáo dục và văn hóa giao tiếp. Trạng thái này được gọi là bình thường mới. Trạng thái này có vô vàn thay đổi khiến chúng ta phải thích nghi dù muốn hay không. Mặc dù trạng thái này với nhiều người là không dễ chịu chút nào, nhưng theo tác giả, nó lại có thể mang đến nhiều điểm tích cực cho loài người đang sống trên trái đất về sự cân bằng giữa con người với môi trường tự nhiên và với các sinh loài khác.

Trong tương lai chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều loại “bảo tàng Corona” mọc lên trên thế giới để nhắc nhở nhân loại đừng bao giờ quên đại dịch này. Vì vậy, những ghi chép ngay trong đại dịch như “Thiên đường và địa ngục” sẽ là những tư liệu vô cùng quý giá, một đi không trở lại. Lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại, chỉ còn lại những bài học đau đớn được rút ra từ đại dịch này. Đây chính là bài học đắt giá nhất mà toàn thể nhân loại đã phải trải qua, đúng như tác giả đã nhận định.

Mai Phương

Thẻ:, ,