Nhân học Tôn giáo
Nhân học tôn giáo, là một phân ngành của nhân học, tìm hiểu mối quan hệ của tôn giáo và tín ngưỡng với các thành tố khác trong xã hội loài người bằng sự đối sánh với đưc tin và thực hành ở các nền văn hóa. Đây là một nghiên cứu mới của PGS.TS Đinh Hồng Hải sau các cuốn sách: Các vị thần, Các con vật linh, Các vị tổ, Thiên đường và địa ngục,… được xuất bản gần đây.
Cuốn sách này được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành tháng 7 năm 2023. Sách dày 372 trang, bao gồm 4 phần chính với tổng cộng 15 chương. Đây là một cuốn sách cẩm nang về nghiên cứu tôn giáo từ góc nhìn của một nhà nhân học. Nội dung sách cũng thống kê ở mức độ tối đa các tài liệu tham khảo cùng các công bố có liên quan đến nghiên cứu tôn giáo và nhân học tôn giáo của tác giả. Ngoài ra, tập hợp các thuật ngữ và khái niệm căn bản qua danh mục các các thuật ngữ nhân học tôn giáo giúp người đọc tra cứu các thuật ngữ chuyên môn một cách dễ dàng hơn.
Theo tác giả cuốn sách này này được hoàn thành tại Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự góp ý của các bạn độc giả, đồng nghiệp trong và ngoài nước. Theo ông, đóng góp của cuốn sách này như ‘một viên gạch nhỏ’ để xây dựng một góc nhìn mới đối với nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam. Để có thể phổ biến rộng rãi cho nhiều bạn đọc ở trong và ngoài trường đại học, tác giả đã cố gắng đơn giản hóa các thuật ngữ chuyên biệt để bạn đọc dễ hình dung các vấn đề có liên quan.
Nội dung của Nhân học tôn giáo bao gồm 4 phần:
Phần I: Nhập môn Nhân học tôn giáo. Phần này được tác giả thực hiện qua 3 chương. Nội dung chương 1: Tôn giáo và tín ngưỡng từ góc nhìn nhân học tôn giáo. Chương 2: Sự hình thành và phát triển của Nhân học tôn giáo. Chương 3: Các đặc trưng và tín ngưỡng của tôn giáo và tín ngưỡng từ góc nhìn Nhân học tôn giáo. Chương 4: Các nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng và sự phát triển của Nhân học tôn giáo ở Việt Nam. Có thể nói, đây chính là khững kiến thức nhập môn đối với nhân học tôn giáo nói riêng và nghiên cứu tôn giáo nói chung. Để giải quyết các vấn đề đặt ra ở phần 1, tác giả đã cho chúng ta một bộ công cụ ở phần II.
Phần II: Khuynh hướng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong Nhân học tôn giáo. Phần này bao gồm chương 5: Các khuynh hướng nghiên cứu trong Nhân học tôn giáo; Chương 6: Các lý thuyết trong Nhân học tôn giáo; Chương 7: Các phương pháp nghiên cứu trong Nhân học tôn giáo; Chương 8: Lựa chọn đề tài nghiên cứu; Chương 9: Đạo đức khoa học. Đây chính là những kiến thức căn bản có thể sử dụng vượt ra ngoài bộ môn nhân học tôn giáo. Nó đóng vai trò của những kiến thức căn bản về lý thuyết và phương pháp luận trong nhân học để người đọc tìm hiểu các đối tượng nghiên cứu trong nhân học tôn giáo ở phầm III.
Phần III: Các đối tượng nghiên cứu trong Nhân học tôn giáo. Phần này bao gồm chương 10: Các đối tượng nghiên cứu trong Nhân học tôn giáo; Chương 11: Phân loại các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng và cơ sở thờ tự; Chương 12; Những người thực hành tôn giáo chuyên nghiệp. Qua nội dung phần này, tác giả đã giúp độc giả có thể nhìn rõ từng đối tượng nghiên cứu trong tôn giáo và tín ngưỡng. Có thể nói đây là công trình nghiên cứu tôn giáo phân loại đầy đủ nhất các đối tượng tôn giáo, các thiết chế tôn giáo và những đã và đang vận hành các thiết chế đó. Nó giúp cho người đọc có được một cái nhìn tổng quan nhất về tôn giáo và tín ngưỡng trong xã hội loài người ở phần IV.
Phần IV: Tôn giáo tín ngưỡng trong xã hội loài người. Phần này bao gồm chương 13: Tác động xã hội của tôn giáo và tín ngưỡng; Chương 14: Thể chế với tôn giáo và tín ngưỡng; Chương 15: Biến đổi tôn giáo và đa tín ngưỡng. Đúng như tác giả đã nhận xét: Tôn giáo và tín ngưỡng là những thành tố đã hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người ngay từ buổi bình minh của lịch sử, dù có đức tin hay không, con người ở mọi xã hội, mọi nền văn hóa luôn tồn tại cùng cùng các tôn giáo tín ngưỡng. Ở khía cạnh này, tôn giáo tín ngưỡng đóng vai trò như một trong hai nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống con người. Trong đó, Nhân học tôn giáo đóng vai trò là một trong những bộ môn quan trọng nhất nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng trong khoa học xã hội và nhân văn.
Nhân học tôn giáo mới chính thức được đưa vào giảng dạy ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam trong khoảng hơn hai thập niên qua. Mặc dù là một bộ môn khoa học tương đối mới mẻ nhưng bộ môn này lại có thể nghiên cứu rất nhiều vấn đề từ tôn giáo đến giả tôn giáo, từ tín ngưỡng “phù thủy” xa xưa đến lên đồng và “chữa bệnh âm” hiện nay mà không bị hạn chế bởi các rào cản như “dị giáo” với thần học hay “phi logic” với triết học… như tác giả đã nêu trong cuốn sách này.
Những câu hỏi mà tác giả đã đặt ra là khoa học về nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng giải quyết vấn đề gì cho xã hội nói chung và cho Khoa học xã hội và Nhân văn nói riêng? Tôn giáo tín ngưỡng có ảnh hưởng như thế nào đối với văn hóa và con người Việt Nam? Nhân học tôn giáo có gì khác biệt so với cách tiếp cận nghiên cứu tôn giáo khác? Đây cũng chính là những băn khoăn của tất cả chúng ta. Một phần của những câu trả lời đã được tác giả tập hợp trong cuốn sách này. Chính vì vậy, mặc dù cuốn Nhân học tôn giáo vừa mới được xuất bản, nhưng đã được nhiều độc giả quan tâm, đón đọc. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của xã hội và đặc biệt là các độc giả, các nhà nghiên cứu cũng như sinh viên trong và ngoài ngành khoa học xã hội.
Về vai trò của bộ môn này đối với khoa học xã hội và nhân văn nói riêng và xã hội nói chung, tác giả Đinh Hồng Hải cho biết: “nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng đã, đang và sẽ còn là một công việc lôi cuốn các nhà khoa học bởi chính ‘sức hút’ của đối tượng nghiên cứu này. Sức cuốn hút của nó đã đã tạo nên niềm đam mê của nhân loại hàng nghìn năm qua, chừng nào còn tồn tại con người trên trái đất, chừng đó tôn giáo tín ngưỡng còn ở lại và các nhà khoa học sẽ tiếp tục làm việc. Khoa học nghiên cứu về tôn giáo dù dưới góc nhìn của nhân học, sử học, thần học, triết học, hay vật lý lượng tử cũng đều để giải quyết các vấn đề xã hội và văn hóa có liên quan đến đời sống tinh thần của con người
Vương Quốc Hoa