THỰC TẬP DÂN TỘC HỌC CỦA SINH VIÊN NGÀNH NHÂN HỌC NĂM 2022

0 Comments

THỰC TẬP DÂN TỘC HỌC CỦA SINH VIÊN NGÀNH NHÂN HỌC NĂM 2022

  1. Đinh Thị Thanh Huyền[1]

Thực tập Dân tộc học là một học phần quan trọng và vô cùng thú vị, háo hức đối với sinh viên ngành Nhân học tại USSH. Bởi vì sau quá trình 6 học kỳ tích lũy các học phần tiên quyết và chuyên ngành như Nhân học đại cương, Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong nhân học, Nghiên cứu so sánh làng xã Việt Nam và một số nước trong khu vực, Tộc người và chính dân tộc ở Việt Nam, Hôn nhân và Thân tộc, Nhân học ngôn ngữ, Nhân học hình ảnh….; sinh viên ngành Nhân học sẽ có 05 tuần để thực hành các phương pháp, kỹ năng và kiến thức đã học trên một địa bàn tại một cộng đồng cụ thể.

Sau hai năm chuyển đổi hình thức thức thực tập tập trung đến thực địa sang cá nhân mỗi sinh viên thực tập dân tộc học tại chỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, mùa hè năm 2022 với sinh viên K64 khóa QH 2019 có lẽ là năm học nhiều ký ức đáng nhớ nhất khi có 02 tuần trọn vẹn “ba cùng” với cộng đồng bà con người Mường tại xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình.

Trước khi Đoàn đặt chân đến xã Cúc Phương, PGS.TS Nguyễn Trường Giang-Phó Chủ nhiệm Khoa Nhân học, phụ trách đào tạo và TS. Đinh Thị Thanh Huyền- một trong các GV hướng dẫn thực tập và 03 SV đại diện K64 đã tiền trạm đến UBND huyện Nho Quan và xã Cúc Phương liên hệ địa bàn ăn ở, học tập, làm việc cho toàn Đoàn. Sinh viên có một tuần làm việc tại cơ sở đào tạo với chuyên gia, các giảng viên hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng và phương pháp tiếp cận các đề tài nghiên cứu cụ thể khi đến địa bàn.  Một facebook chung mang tên Thực tập Dân tộc học năm 2022 được xây dựng ngay sau chuyến tiền trạm địa bàn nhằm cập nhật tài liệu, quy chế, phân nhóm ở chung và đặc biệt là các hình ảnh, sự kiện của Đoàn tại khi đến làm việc tại địa phương.

Ngày 28.7.2022, Đoàn thực tập Dân tộc học năm 2022 của sinh viên ngành Nhân học đã đặt chân đến địa bàn xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Điểm dừng chân tập trung của cả Đoàn tại thôn Bãi Cả, một địa điểm gần như trung tâm của xã, từ đây sinh viên dễ dàng tỏa đi 9 thôn còn lại của xã Cúc Phương để nghiên cứu, học tập, tiếp xúc với các cộng đồng bà con người Mường tại đây trong khoảng thời gian 15 ngày.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên, chiều ngày 28.7, PGS.TS Lâm Minh Châu và TS. Đinh Thị Thanh Huyền đã có buổi làm việc với Chủ tịch xã Cúc Phương, ông. Đinh Văn Xuân tại trụ sở UBND xã.

GVHD làm việc với lãnh đạo xã Cúc Phương ngày 28.7.2022

“Cúc Phương là một xã nằm ở phía Đông Nam của huyện Nho Quan, cách trung tâm huyện 12 km, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hoà Bình, phía Tây Nam giáp tỉnh Thanh Hoá. Xã có địa hình đa dạng được chia cắt bởi hệ thống các dãy núi đá vôi chạy theo hướng Bắc Nam, thấp dần từ Tây sang Đông và phân chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng địa hình núi cao có độ dốc lớn tạo thành các thung lũng bằng phẳng thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và vật nuôi đặc sản; vùng đệm tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương phần lớn là thềm đá lộ đầu thuận lợi cho phát triển các điểm kinh doanh, dịch vụ, du lịch; vùng đồi vàn thấp có địa hình bằng phẳng thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

Xã có 2 trục đường chính chạy qua gồm đường Núi Đính – Cúc Phương, đường Cúc Phương – Nho Quan chạy từ trung tâm huyện Nho Quan nối các địa phương trong tỉnh với tỉnh Hòa Bình, rất thuận lợi về giao thương, trao đổi, mua bán hàng hóa và phát triển dịch vụ du lịch. Trên địa bàn xã có 04 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thu hút lao động địa phương góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế – xã hội.

Tổng diện tích tự nhiên của xã là: 12.373,51 ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 443,8 ha; đất lâm nghiệp là 11.494,13 ha (đất rừng sản xuất: 126,43 ha, đất rừng phòng hộ: 169,7 ha, đất rừng đặc dụng: 11.198 ha), đất nuôi trồng thuỷ sản: 2,02 ha, đất phi nông nghiệp: 159,42 ha (đất ở nông thôn: 23,18 ha, đất chuyên dùng: 136,24 ha)

Toàn xã có 968 hộ với 3.460 khẩu, trong đó: dân tộc dân tộc Mường là 2.975 khẩu chiếm tỷ lệ 86%; được phân bổ thành 03 khu vực dân cư với 10 thôn: Đồng Tâm, Đồng Bót, Đồng Quân, Nga 3, Nga 2, Nga 1, Bãi Cã, Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3.

Đặc điểm cơ cấu kinh tế của xã Cúc Phương chuyển dịch theo hướng sản xuất công nghiệp – thương mại dịch vụ: Nông nghiệp chiếm 40%; công nghiệp – xây dựng chiếm 30%; dịch vụ chiếm 30%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 16,84%, đến hết năm 2019 giảm xuống còn 3,7%, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Mường, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã Cúc Phương luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, cần cù, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”[2]

Chủ tịch xã vốn là một người Mường tại Cúc Phương. Ngoài việc chia sẻ các thông tin, số liệu về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa chung của xã, vị lãnh đạo cơ sở này còn là một người tâm huyết với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, người trở nên “nổi tiếng” trên không gian số (face, zalo cá nhân đến website xã Cúc Phương..) bằng chính những câu chuyện văn hóa, bài hát dân ca bằng tiếng Mường cho đến các hình ảnh, thông tin, văn bản hành chính về hoạt động của xã. Ông cũng nhận lời mời của Đoàn để nói chuyện chuyên đề về đặc trưng văn hóa Mường tại địa phương cho sinh viên.

Sinh viên của Đoàn có 3 ngày đầu tiên để ổn định chỗ ở, thảo luận thêm về chủ đề cụ thể với giảng viên hướng dẫn, làm quen với địa bàn, với bà con người dân tại thôn Bãi Cả và một vài thôn xung quanh.

Sinh hoạt chung về nội quy học tập, làm việc của sinh viên tại địa bàn với GVHD

 

Tối ngày 31.7, qua sự kết nối của đ/c Trưởng thôn Bãi Cả, anh Đinh Văn Thắng, Đoàn thực tập đã có một buổi nghe nói chuyện chuyên đề về tình hình chung của thôn và đặc biệt được đón tiếp, làm quen, giao lưu, học hỏi với các thành viên CLB hát giao duyên bằng tiếng Mường của xã Cúc Phương.

Thôn Bãi Cả là một đơn vị mới nhất của xã Cúc Phương, được thành lập từ năm 1994. Hiện nay thôn có hơn 102 hộ với hơn 400 khẩu, trong đó chủ yếu là bà con người Mường chiếm 96%. Cách đây 8 năm, khi còn là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh, chính đ/c Trưởng thôn trẻ tuổi Đinh Văn Thắng đã thực hiện một video 20 năm thành lập thôn Bãi Cả và công bố trên Youtobe. Sinh viên của Đoàn thực tập vẫn có thể dễ dàng truy cập và xem lại sự kiện đó trên mạng internet.

Buổi gặp gỡ với các thành viên CLB hát giao duyên bằng tiếng Mường đã mang lại rất nhiều tri thức văn hóa cộng đồng, sự thú vị cho các bạn sinh viên, là buổi làm quen sinh động, tạo điều kiện để các em gầy dựng mối quan hệ tốt đẹp với bà con, người dân địa phương cho các buổi gặp gỡ phỏng vấn, quan sát dân tộc học sau đó. Câu chuyện mà những người trực tiếp tham gia giữ gìn, truyền lửa cho việc bảo tồn, phát huy lời ca, tiếng hát dân gian bằng tiếng Mường đến từ những cô/bác trong CLB như: cô Bùi Thị Ân (Chủ nhiệm CLB), ông Đinh Văn Tân, cô Đinh Thị Thoa, cô Đinh Thị Hoán, .…thực sự hữu ích đối với các bạn sinh viên nhân học.

Mặc dù CLB mới chính thức ra mắt từ cuối năm 2017 với 42 thành viên ban đầu, nhưng đến nay đã tăng lên gần 70 thành viên và mở rộng nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mường tại địa phương.

Sinh viên Đoàn thực tập tiếp cận làm quen với các thành viên CLB hát giao duyên tiếng Mường tại thôn Bãi Cả ngày 31.7.2022

Đặc biệt, tối ngày 02/8, Đoàn thực tập đã vinh dự được tiếp đón Chủ tịch xã Đinh Văn Xuân đến nhà sàn của hộ gia đình anh chị Đinh Văn Thắng- Đinh Hồng Cẩm để nói chuyện chuyên đề về văn hóa xã hội của địa phương.

Khác với hình dung ban đầu của các bạn sinh viên về một vị lãnh đạo đứng đầu cấp xã quan phương, ông chủ tịch xã Cúc Phưng mang tên mùa xuân lại vô cùng gần gũi, thân thiện khi nói nhỏ với cô Huyền cho các bạn sinh viên lên trải chiếu ra nhà sàn để nghe bác Xuân nói chuyện văn hóa của người Mường.

Mặc dù không gian của ngôi nhà sàn rất rộng và không có mic, loa đài như ở hội trường UBND xã hay trên giảng đường ở trường, nhưng 50 sinh viên và cô Huyền GVHD đã chăm chú lắng nghe bác chủ tịch Xuân dẫn dắt câu chuyện văn hóa Mường qua 7 chủ đề: 1) Văn hóa ẩm thực, 2) Văn hóa nhà ở Mường với sự chuyển đổi tại Cúc Phương, 3) Phong tục cưới hỏi, tang ma của người Mường, 4) Hát giao duyên, bọ mẹng, rằng xường Mường là gì và sự ra đời, hoạt động của CLB xã Cúc Phương, 5) Bà lang và ông Mớ/Ông Ô a trong tâm thức dân gian tại cộng đồng; 6) Các không gian thiêng trong xã (đền, đình, …); 7) Mo Mường là gì?

Phần thú vị hơn của buổi nói chuyện của bác Xuân có lẽ là phần sau chương trình khi bác dành gần 2 tiếng để trả lời mỗi bạn sinh viên ít nhất 3 câu hỏi về bất cứ vấn đề gì liên quan đến văn hóa, xã hội tại Cúc Phương.

Qua buổi nghe chuyện chuyên đề của bác Đinh Văn Xuân, sinh viên của Đoàn đã thu thập, bổ sung và làm rõ hơn các đề tài mình đang thực hiện trong 1/3 thời gian đầu tiên của đợt thực tập.

Trong thời gian 5 ngày làm việc tiếp theo, các bạn sinh viên dưới sự hướng dẫn của Giảng viên đã tiếp cận với các văn bản của xã Cúc Phương, xin lịch gặp gỡ một số cán bộ đầu ngành của xã để xin bổ sung số liệu;  tỏa đi các thôn để quan sát, thu thập, gặp gỡ, phỏng vấn bà con, ghi chép các số liệu, thông tin phục vụ cho một số các đề tài cụ thể như: quá trình hoàn thành mục tiêu nông thôn mới tại xã Cúc Phương; Tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò sinh sản chất lượng cao tại  thôn Nga 1; Mô hình Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ mật ong xã Cúc Phương;  Mô hình nuôi hươu lấy nhung; nuôi nhím, nuôi dê, nuôi dúi…;  Mô hình Nhà sạch vườn đẹp do Hội Phụ nữ xã Cúc Phương phát động; Chương trình “Nâng bước Em tới trường” trong bối cảnh đại dịch Covid 19 tại xã Cúc Phương;  Nhận thức và thực hành của người dân địa phương về quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Khai thác văn hóa truyền thống dân tộc Mường thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại Cúc Phương; Dấu ấn tết Mường tại Cúc Phương….. Một số hình ảnh trực quan dưới đây do sinh viên của Đoàn trong quá trình tiếp cận bà con đã xin phép chụp lại:

Ốc núi- 1 đặc sản riêng biệt của núi rừng Cúc Phương

Chấu chôm- một đặc sản của Cúc Phương đại ngàn

Cỗ lá Mường, nét đặc sắc của ẩm thực truyền thống

Chõ đồ bằng gỗ truyền thống của người Mường

Mô hình nuôi hươu lấy nhung tại Cúc Phương

Mô hình nuôi lợn nòi lai lấy thịt

Lợn nòi lai thành phẩm của bà con

Mô hình nuôi ong lấy mật

Trò chơi đánh mảng (bằng quả pàm pàm) dân gian của người Mường

Cùng làm cà kheo với bà con, một trò chơi dân gian truyền thống của người Mường

Một trong các chủ đề quan tâm của Đoàn thực tập chính là Vườn quốc gia Cúc Phương, một cơ quan cấp Bộ đóng cơ sở làm việc trên địa bàn hành chính tại xã Cúc Phương. Vì vậy, ngày 4/8 Đoàn đã có chuyến làm việc tập trung vô cùng bổ ích vào Vườn.

Từ cổng Vườn, sau khi mua xé tham quan, Đoàn đi bộ 1,5 km đến điểm gần nhất của toàn tuyến là hồ Mạc. Điều thú vị nhất của chuyến điền dã rừng Cúc Phương hôm nay chính là 2 sinh viên của đoàn (Chính và Vỹ) đã mời được bà lang Bằng (94 tuổi người thôn Bãi Cả) đi cùng Đoàn vào rừng để chỉ bảo cho nhóm về các cây thuốc cụ đã dùng chữa bệnh.(Ảnh)

Cụ Bằng, 94 tuổi, một bà lang Mương nổi tiếng của Cúc Phương

Hồ Mạc là một phức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với mặt nước giống như một tấm gương lớn sáng bóng soi chiếu bầu trời xanh mây trắng trong vắt, cảnh vật cây cối xum xuê xung quanh, làm dịu mát không khí oi ả của mùa hè, níu giữ bước chân của bất cứ du khách hay nhà nghiên cứu nào đi qua cũng phải dừng chân để check in cảnh đẹp, hít hà bầu không khí trong lành của hồ nước giữa rừng cây.

Khu hồ Mạc trong rừng Cúc Phương

Từ đây, cần đi thêm 7km nữa sẽ đến Động Người xưa, nơi đã khai quật được một số bộ hài cốt được cho là của người Việt Mường cổ bản địa tại Cúc Phương có niên đại cách ngày nay 7.000-8.000 năm. Hiện các di vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Thanh Hóa.

Từ điểm thứ hai này, hai bên trục đường chính trước đây vốn là con đường độc đạo của bà con người Mường từ rừng Cúc Phương đi ra đường cái quan, có khá nhiều các điểm dừng chân bởi dấu ấn cổ kính của khu rừng như cây bang cổ thụ, động con moong, ..đến điểm cuối của cung đường nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô cách cổng vườn 18,5km là địa phận của các bản người Mường truyền thống từng cư trú trước khi di chuyển ra bên ngoài từ năm 1989-1994 để trả lại màu xanh cho rừng Cúc Phương như bản Bống, Đồng Cơn, Lá mền, Đăn…Nếu đi bộ với đồ bảo hộ đi rừng/ủng thêm 3 km nữa sẽ đến điểm cuối cùng là cây chò ngàn năm, một trong những biểu tượng thời gian của rừng nguyên sinh Cúc Phương.

Đoàn đã liên hệ với Trung tâm Giáo dục, môi trường để tìm hiểu về công tác bảo vệ rừng và thực hiện Quy chế phối hợp với các đơn vị giáp ranh.

Chiều ngày 4/8, khi biết tin buồn của một hộ gia đình ở thôn Nga 1, nhóm 7 sinh viên và cô Huyền đã đại diện Đoàn thực tập đến viếng, tiễn đưa bà Đinh Thị Thanh và chia buồn với gia quyến. Đây cũng là dịp để sinh viên quan sát, ghi chép, mở rộng tri thức về phong tục tang ma của người Mường tại địa phương.

Đoàn tiếp tục làm việc học tập, nghiên cứu tại địa phương trong khoảng thời gian gần 1 tuần nữa sẽ kết thúc vào ngày 11.8.2022

Bài và ảnh: TS. Đinh Thị Thanh Huyền

[1] Giảng viên Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Báo cáo số: 95/BC-UBND ngày 17/9/2020 về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình năm 2020