Thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa dưới góc nhìn đa chiều của Nhân học

0 Comments

Thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa dưới góc nhìn đa chiều của Nhân học

Ngày 10/12 vừa qua, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc tế “Nhân học và thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ các trường đại học trên thế giới và trong nước: Đại học California, Yale (Hòa Kỳ), Trường Cao học thực hành (Pháp), Đại học Toronto (Hà Lan), Đại học Khoa học Huế (Huế), KHXH&NV Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh), Đại học RMIT Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Dân tộc học, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Bảo tàng Dân tộc học. Tham dự hội thảo có rất đông các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ Khoa Nhân học và các khoa/bộ môn khác trong trường. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trường ĐHKHXH&NV và trực tuyến qua nền tảng zoom.

IMG 6813
Quang cảnh Hội thảo trực tiếp tại phòng họp Trường ĐHKHXH&NV

Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng) nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo: Sự phát triển đô thị hay các thành phố là một trong những đối tượng nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao của các ngành trong khoa học xã hội và nhân văn. Bằng cách tiếp cận dân tộc học, trên cơ sở những quan điểm và hệ thống lý luận sắc bén, các nhà nhân học đã có những phân tích sâu và lý giải kỹ lưỡng về nhiều chiều cạnh của thành phố và các cộng đồng đô thị hóa ở nhiều nơi tại Việt Nam và cả một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hội thảo vừa cập nhật những kết quả nghiên cứu nhân học gần đây về đô thị trên thế giới và VN; Chỉ ra những thách thức và đề xuất các giải pháp đa chiều để góp phần giải quyết những mặt hạn chế hay các thách thức của các thành phố, các điểm đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa ở Việt Nam hiện nay. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc sự đồng hành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) trong rất nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, xuất bản các chuyên khảo.

IMG 6789
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn phát biểu nhấn mạnh: chủ đề của Hội thảo về đô thị truyền thống và hiện đại có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao

Hội thảo tiến hành qua 3 phiên: phiên Toàn thể và chia làm 4 Tiểu ban, tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề chính: Những biến đổi đô thị ở Việt Nam đương đại; Những động năng kinh tế-xã hội trong đô thị Việt Nam; Những động năng văn hóa ở đô thị Việt Nam đương đại; Khu tập thể ở Hà Nội. Với 18 báo cáo trình bày cùng rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi, cởi mở Hội thảo đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, và cùng các đại biểu trao đổi và luận giải những nội dung then chốt có tính hàn lâm và định hướng chính sách từ những khám phá về các thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa từ góc nhìn đương đại và lịch sử.

IMG 6805

GS. Christina Schwenkel (Đại học California, Riverside, Hoa Kỳ) trình bày báo cáo rất sinh động về các khu tập thể cũ của Hà Nội và Vinh (Nghệ An)

logo logo ktt 16707137848201391657534 1670713824106359675371
Câu chuyện về các khu tập thể ở Hà Nội là chủ đề quan trọng nhất, được các đại biểu tham dự quan tâm, trao đổi sôi nổi trong hội thảo (Ảnh: Tuổi trẻ online)

Qua các nghiên cứu đã cho thấy: đô thị ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay đã có sự biến đổi rất nhanh chóng cả về vai trò, công năng, kiến trúc, hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa, thành phần cư dân; có sự pha trộn và tồn tại song song của các giá trị truyền thống. Vì vậy, vấn đề phát triển các đô thị theo hướng hiện đại, năng động, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của con người nhưng bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống về lịch sử, văn hóa, chính trị, nghệ thuật,… vì sự phát triển bền vững được coi là vấn đề trung tâm của các thành phố lớn trên thế giới không chỉ của Việt Nam. Các tác giả cũng nêu lên những ví dụ điển hình là những khu đô thị cũ ở Hà Nội, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chúng cũng có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nhất định, phản ánh rất nhiều mặt của đời sống xã hội trong một giai đoạn nhất định. Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để bảo tồn một phần các khu đô thị cũ trong quá trình phát triển của các đô thị mới ở Hà Nội cũng như những thành phố khác mà vẫn đảm bảo sự an toàn.
Trên cơ sở cái nhìn đa chiều đó, các tác giả cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm vừa bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc truyền thống mà vẫn đảm bảm sự năng động, hiện đại và phát triển bền vững của các đô thị.

Kết luận tại Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, TS. Nguyễn Vũ Hoàng (Phó Trưởng khoa Nhân học) các đơn vị đối tác, các viện nghiên cứu, tổ chức giáo dục, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đồng hành, hỗ trợ trong việc tổ chức hội thảo thành công. Hội thảo đã làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới cho chủ đề lâu nay được các nhà nghiên rất quan tâm: đô thị đương đại trong cái nhìn đa chiều, liên ngành, đồng thời đưa ra những giải pháp toàn diện cho sự phát triển của các đô thị. Các chủ đề nghiên cứu, vấn đề khoa học mang tính mới, có sự đột phá trong tiếp cận nghiên cứu nhân học về đô thị. TS. Nguyễn Vũ Hoàng cho biết sau hội thảo, những báo cáo này sẽ được tác giả chỉnh sửa và Ban chuyên môn sẽ tiếp tục góp ý, phản biện để hướng tới xuất bản thành một công trình chuyên khảo tốt cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

z3949065155041 6bb785e8fe427d2f9dd20e47ea879021
TS Nguyễn Vũ Hoàng phát biểu bế mạc, nhấn mạnh một số nội dung chính các đại biểu đã báo cáo, bình luận và trao đổi tại Hội thảo 
Anh bao cao vien va khach moi
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Nguồn: ussh.vnu.edu.vn