PGS.TS. Lâm Bá Nam phát biểu về hiện tượng một nữ doanh nhân livestream gây ồn ào trên mạng xã hội.

0 Comments

Nữ doanh nhân Phương Hằng livestream gây ồn ào: Chấn hưng hay băng hoại đạo đức?

Thời gian gần đây, việc bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Võ Hoàng Yên và liên tục livestream trên nền tảng mạng xã hội facebook, Youtube “ “bóc phốt”, “vạch trần” hàng loạt nghệ sĩ “ngôi sao” trong làng giải trí Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước.

Chưa rõ thông tin được bà Hằng cung cấp trong các buổi livestream “vạch trần” góc khuất, mặt trái của một số nghệ sĩ đúng sai thế nào khi chưa có các cơ quan chức năng kết luận, tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ của nữ doanh nhân có dấu hiệu thóa mạ, xúc phạm nhân phẩm các cá nhân đã khiến nhiều người phản ứng, thậm chí sốc và hoang mang. Nhất là khi các livestream của bà Hằng thu hút tới nửa triệu người xem, có phần ảnh hưởng và tác động đến nhiều người.

Nữ doanh nhân Phương Hằng trong một buổi livestream.
Nữ doanh nhân Phương Hằng trong một buổi livestream.

Thực tế, Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phản ánh việc bà Phương Hằng gần đây liên tục livestream xúc phạm, thóa mạ nhiều nghệ sĩ thuộc hội.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, những thông tin bà đưa ra “đúng sai thì pháp luật còn phải xác minh”, nhưng không thể nào cứ tiếp diễn việc một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để thóa mạ, chửi bới người khác, việc này “là không chấp nhận được”.

Trước đó, Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Phương Hằng 7,5 triệu đồng, do phát ngôn sai sự thật việc tỉnh Bình Thuận bao che cho ông Võ Hoàng Yên

Nhiều người đặt câu hỏi, bà Hằng đang chấn hưng đạo đức hay làm băng hoại ngôn ngữ và đạo đức truyền thống?

PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).

 

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, thời gian dài gần đây các doanh nhân, nghệ sĩ sử dụng ngôn ngữ vô tội vạ, sử dụng một cách quá tự nhiên, thiếu nền táng văn hóa cần thiết.

“Ông bà ta đã dạy “lời nói đọi máu”. Lời nói phản ánh tư cách, nhân cách con người. Ông bà ta cũng đã dạy “học ăn, học nói”. Tuy nhiên, lạ nhất qua các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống và không chính thống, nữ doanh nhân và nghệ sĩ người ta nói nhưng lại quên hết điều đó. Họ nói cho thỏa mãn nhu cầu trong bản thân họ, cho cái tôi của họ. Nhưng điều quan trọng hơn, các giá trị văn hóa thông qua lời nói, ngôn ngữ bị lạm dụng một cách không thể hình dung được” – PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.

PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, ở đây là 2 điều: Ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ được thể hiện qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội phải được chọn lọc, không thể mang tất cả mọi thứ ở trên đời này đưa vào ngôn ngữ truyền thông và không thể chấp nhận được việc sử dụng ngôn ngữ tùy tiện.

“Tùy thuộc vào nhận thức của người phát ngôn và người nhận thông tin. Ở đây vấn đề không phải là có học hay không có học mà vấn đề ở chiều sâu văn hóa. Đừng có nói người có học phát ngôn cho đúng chuẩn mực về mặt thông tin, giao tiếp con người với con người hay giao tiếp con người với cộng đồng. Vấn đề là họ nhận thức về điều đó như thế nào. Thông qua phát ngôn liên quan đến việc bản thân mỗi cá nhân có biết tôn trọng mình hay không và ứng xử của cá nhân với cộng đồng là như thế nào” – ông Nam nói.

Theo ông Lâm Bá Nam, từ câu chuyện của nữ doanh nhân cho đến các nghệ sĩ, cho thấy một điều lạ: Xã hội ngày càng bị băng hoại về mặt ngôn từ, băng hoại về mặt ứng xử thông qua lời nói như thế.

“Đến lúc cần phải được báo động, cần phải được chấn chỉnh, các phương tiện thông tin truyền thông cần lên tiếng một cách chính thống hơn. Trong trường hợp này, tôi thấy hệ thống truyền thông và báo chí của mình cũng đã lạm dụng như một hình thức câu view một cách không đúng. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Việc đó giúp ích gì cho cuộc sống này? Mang lại các hệ giá trị gì cho cuộc sống này. Bản thân tôi thấy quá mệt mỏi. Thậm chí báo chí còn giật tít chỉ để câu view mà không định hướng giá trị cốt lõi, thiếu chức năng định hướng, thiếu cả chiều sâu văn hóa của báo chí, tất nhiên không phải tất cả” – PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.

Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, đã đến lúc, qua một vài vụ việc như trên cần phải định hướng lại. Truyền thông không nên quá sa đà. Chỉ nhìn qua hệ thống giật tít trên nhiều báo mạng, cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn từ hệ thống tuyên giáo Việt Nam.

“Ở đây có 2 mặt, một là từ phía độc giả, họ cảm nhận thông tin nhưng người Việt hay bị tư duy, a dua đám đông. Do đó hệ thống truyền thông chính thống phải cảnh giác. Thứ hai, từ phía quản lý nhà nước, phải nhìn nhận đúng và có định hướng đúng hơn nữa. Quan trọng nhất là việc cung cấp thông tin một cách chuẩn xác, đúng mực cho dư luận, định hướng lại dư luận. Dư luận không có thông tin chuẩn xác về vấn đề đó nên chỉ bình luận theo ý kiến chủ quan của những người cung cấp thông tin như sự việc nữ doanh nhân. Người dân – chủ thể văn hóa phải được cung cấp thông tin và họ có nhu cầu được cung cấp và phải được cung cấp. Khi người dân không nắm được thông tin, họ dễ bị dẫn dắt, bình luận đúng sai đều rất khó dẫn đến nhiễu loạn thông tin” – PGS.TS. Lâm Bá Nam nói.

Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng, thông tin phải được cung cấp nhanh chóng, kịp thời hơn. Thông tin chính thống mà đi sau thông tin vỉa hè, thông tin mạng xã hội thì không có nhiều giá trị. Do đó, cần phải đi trước một bước.

“Người dân khi được cung cấp thông tin chuẩn xác, họ sẽ có nhận thức, nhận xét và lựa chọn thông tin tiếp cận một cách đúng đắn. Với tư cách một người cần được tiếp cận thông tin, tôi cũng có cảm giác như vậy” – ông Nam nói.

Nói về việc ở vụ nữ doanh nhân Phương Hằng, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tiếp tay tán phát thông tin nội dung lệch chuẩn, gây mất trật tự xã hội, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét xử lý.

“Đương nhiên là phải xem xét xử lý nhưng hệ thống tuyên truyền, thông tin chính thống của mình phải nhập cuộc theo hai nghĩa. Thứ nhất, phải phản bác thông tin sai lệch, không thể để người ta cung cấp thông tin một cách tự do như vậy. Thứ 2 phải cung cấp thông tin một cách minh bạch hơn. Còn nền tảng mạng xã hội không phải lúc nào cũng đi can thiệp để xóa bỏ các clip, video hết được. Trận địa này đến nay chúng ta mới chỉ lo đi xóa là chính chứ chưa cấp thông tin một cách nhanh nhạy, cần thiết” – ông Nam nêu ý kiến.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả của xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

“Với nội dung clip và biểu hiện cảm xúc của bà Hằng trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, hành vi của bà Hằng là xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều người khác, kết luận thiếu căn cứ, đưa thông tin sai sự thật, chưa có kiểm chứng lên mạng xã hội. Do đó, việc bà Hằng bị kiện, thậm chí bị tố cáo, tố giác tội phạm là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Ông Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên,việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến như vậy phải trên cơ sở pháp luật, tôn trọng pháp luật và tôn trọng các quyền tự do cơ bản khác của công dân.

“Đối với các hành vi vi phạm pháp luật chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận là hành vi của ai đó có vi phạm pháp luật hay không. Bởi vậy, không cá nhân nào được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thay cơ quan chức năng quy kết hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, không được chửi bới, sỉ nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Việc bày tỏ thái độ, quan điểm, lối sống, thực hiện các quyền tự do ngôn luận không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân… Nếu người nào thực hiện quyền tự do của mình đi quá giới hạn sẽ xâm phạm đến quyền tự do của người khác” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Nguồn:

https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nu-doanh-nhan-phuong-hang-livestream-gay-on-ao-chan-hung-hay-bang-hoai-dao-duc-1548321.html

 

Thẻ:, , ,