Hội thảo khoa học “Nhân học và tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số”

0 Comments

Ngày 6/12/2023, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Nhân học và tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV), cán bộ giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh của Nhà trường, cùng đông đảo các nhà khoa học đến từ Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Tâm lý học, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGH, tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường nhấn mạnh: “Quá trình chuyển đổi số toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, tác động tổng thể và toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia đa tộc người, với 54 tộc người cùng chung sống. Trong những năm qua, vấn đề tộc người được Đảng và Nhà nước đặt ở vị trí có tính chiến lược trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, vấn đề tộc người trong kỷ nguyên số đang diễn ra hết sức năng động, song cũng hết sức phức tạp ở Việt Nam, cần được các nhà khoa học và những người làm chính sách bàn luận thoả đáng, qua đó đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển bền vững cộng đồng tộc người ở Việt Nam hiện nay, tầm nhìn 2030.
Chủ đề hội thảo ngày hôm nay “Nhân học và tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số” là những vấn đề hết sức cần thiết, mang tính thời sự, và có giá trị thực tiễn khi cung cấp các luận cứ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Khoa Nhân học với vai trò là trung tâm nghiên cứu, đào tạo Nhân học hàng đầu ở Việt Nam, sẽ là đơn vị kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu nhân học, hướng nghiên cứu liên ngành kết hợp hài hòa giữa yếu tố lý luận và thực tiễn”.
Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo tiến hành trong 2 phiên với 6 báo cáo trình bày trực tiếp tại Hội thảo và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi.
Các báo cáo đã tập trung nghiên cứu về sự biến đổi của con người trong kỷ nguyên số. Sự biến đổi ấy chủ yếu được phản ánh ở các chiều cạnh dân số, việc làm và sinh hoạt trước sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ.
Báo cáo “Di động tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số” của PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu và TS. Nguyễn Thủy Giang nghiên cứu sự di động tộc người dưới ánh sáng một lý thuyết và đặt trong bối cảnh kỷ nguyên số; trên cơ sở phân tích tính di động của nhóm cư dân Hàn Quốc ở Hà Nội trong kỷ nguyên số trên cả không gian ngoại tuyến và không gian trực tuyến, báo cáo đã chỉ ra cách thức và lí động của việc di động tộc người trong bối cảnh mới.
Với cáo báo “Các hình thức sinh kế mới ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số (Nghiên cứu trường hợp một số người bán hàng trên TikTok và Facebook)” TS. Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu văn hoá) đưa ra phân tích về loại hình sinh kế rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt tại khu vực đô thị, đó là bán hàng online: điểm thuận lợi, thách thức và kĩ năng để kinh doanh thành công. Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo cũng đề cập đến một số rủi ro trước sự phát triển mạnh mẽ của hình thức sinh kế này, trên cả phương diện quản lí và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Báo cáo “Tìm việc làm và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của PGS.TS. Đặng Thị Hoa (Quyền Viện trưởng Viện Tâm lí học) dựa trên kết quả kết quả nghiên cứu của đề tài cấp quốc gia với 3.582 phiếu khảo sát tại Việt Nam năm 2022 đã cho thấy người dân đã ứng dụng khá nhanh các dịch vụ công nghệ số (zalo, facebook, hay zoom) và các dịch vụ đó trở thành cơ hội, nguồn lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội.

Ba báo cáo trình bày trong phiên thứ hai của hội thảo tập trung phân tích những ảnh hưởng của mạng xã hội đến bản sắc văn hoá, sinh hoạt, cũng như mối quan hệ giữa cá nhân trong một cộng đồng.

Báo cáo của PGS. TS. Vương Xuân Tình “Bản sắc tộc người với mạng xã hội hiện nay” trên cơ sở khảo sát một số trang mạng cá nhân của các tộc người thiểu số miền Bắc Việt Nam đã cho thấy, mạng xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến bản sắc văn hoá tộc người, thể hiện ở sự hồi sinh, tái xây dựng bản sắc tộc người.
Báo cáo “Thần thánh ẩn hình”: Điện thoại, internet và mạng xã hội với sự biến đổi đời sống của người Ơ Đu ở Nghệ An trong bối cảnh hiện nay của TS. Bùi Minh Hào đưa ra những minh chứng cụ thể cho thấy sự tác động đến hoạt động kinh tế và đời sống văn hóa của một tộc người thiểu số tại Việt Nam.
ThS.NCS. Lý Viết Trường với báo cáo “Đồng hành trong học tập và nghiên cứu: Câu chuyện tương hỗ giữa những người Nùng, Tày và Choang trong bối cảnh chuyển đổi số” phân tích vai trò, tác dụng của mạng webchat trong việc kết nối tạo lập mối quan hệ hỗ trợ trong học tập, nghiên cứu giữa các tộc người xuyên biên giới

Các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến bình luận, góp ý cho những báo cáo viên trình bày tham luận tại hội thảo. Bên cạnh đánh giá cao nghiên cứu công phu, có giá trị khoa học của các báo cáo. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đưa ra một số góp ý, mong muốn các tác giả tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, liên quan đến phân tích những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, cũng chuyển đổi số trong cộng đồng các tộc người ở Việt Nam, đặc biệt với các tộc người ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, và một bộ phận người Việt Nam cư trú ở nước ngoài.

Kết luận hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Trưởng khoa Nhân học) cảm ơn sự tham gia nhiệt tình và hiệu quả của các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu trong cả nước. Các báo cáo cho thấy bức tranh hết sức sinh động về vấn đề nhân học và tộc người trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam, điều này đặt ra yêu cầu nghiên cứu cả hai không gian trực tiếp và trực tuyến để có hiểu biết toàn diện hơn về thực tiễn văn hóa, xã hội và sinh kế của các tộc người trong kỷ nguyên số hiện nay. Đồng thời các tham luận cũng gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới mẻ, thú vị. Những đề xuất trên cơ sở các nghiên cứu sẽ làm những cứ liệu khoa học để những người làm chính sách, nhà quản lí có thể tham khảo trong việc xây dựng những chính sách liên quan đến các chiều cạnh văn hoá, kinh tế, xã hội và chính sách tộc người ở Việt Nam trong kỷ nguyên số hiện nay.

MG 3246