Hàng trăm trai gái tụ tập bãi sông giữa COVID -19: Sông Hồng hay sông Hằng?

0 Comments

Hàng trăm trai gái vô tư tụ tập vui chơi ở bãi sông Hồng (Hà Nội), không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn… Hình ảnh trên khiến nhiều người bức xúc và rùng mình khi nghĩ đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, chỉ tính từ ngày27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.405 ca mắc và đã có người tử vong do COVID-19.
Tại Hà Nội, số ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận, thành phố đã phải áp dụng nhiều biện pháp chống dịch như yêu cầu người dân hạn chế tập trung đông người nơi công cộng khi không cần thiết, đảm bảo giãn cách 1 mét; dừng các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng…
Mới đây, thành phố đã áp dụng ở mức độ cao hơn khi tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Hàng trăm nam nữ tụ tập ở bãi đá sông Hồng. Ảnh: NLĐ
Hàng trăm nam nữ tụ tập ở bãi đá sông Hồng. Ảnh: NLĐ
Trong khi chính quyền và lực lượng y tế kiệt sức về chống dịch, lẽ ra người dân cần có ý thức, trách nhiệm, chung tay phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều trai gái trẻ vẫn thiếu ý thức tụ tập đông người giữ đại dịch đang phức tạp.
Hàng trăm trai gái tụ tập đông người ở bãi đá sông Hồng khiến không ít người liên tưởng đến hình ảnh hàng triệu người Ấn Độ đổ về sông Hằng hành hương, thực hiện nghi lễ tâm linh. Dịch COVID-19 tại Ấn Độ sau đó bùng phát dữ dội và đến nay, tổng số ca tử vong vì COVID-19 của quốc gia này đã lên đến 303.720 người, trong khi tổng số ca nhiễm là hơn 26,7 triệu.
Những hình ảnh đau xót khi xác bệnh nhân thiêu không kịp, thả trôi sông tại Ấn Độ là bài học cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Chả lẽ các bạn trẻ học hành tử tế đến bãi đá sông Hồng không thấy hay muốn biến sông Hồng thành sông Hằng thứ 2?
Dù biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu mỗi người chúng ta không tự ý thức cao, không tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo từ Bộ y tế, không đảm bảo 5K, chỉ vì ham muốn, thú vui cá nhân, bất chấp các quy định, mặc kệ cộng đồng vẫn tụ tập đông người như vậy thì nguy cơ sông Hằng 2 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Mới đây, chính quyền địa phương đã đóng cửa bãi đá sông Hồng, xử phạt hành chính đơn vị kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phòng chống dịch bệnh với cộng đồng. Một cá nhân thiếu ý thức không chỉ cá nhân đó mà gia đình, cộng đồng phải gánh hậu quả.
Nhiều người không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách.
Nhiều người không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách.
Trên thực tế, không ít người vì thiếu ý thức đã gây họa lớn cho cộng đồng. Một cá nhân nhiễm COVID-19, cả tòa chung cư, cả khu dân cư đều bị phong tỏa, kéo theo đó lực lượng phòng chống dịch bệnh phải căng mình truy vết, dập dịch. Chưa kể đến việc nếu để lây lan dịch bệnh, không chỉ cá nhân bị xử lý mà kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Khó có thể không phẫn nộ khi nhiều thanh niên xung phong lao vào tâm dịch, chung tay phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh thì có một bộ phận thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm như vậy. Nhất là những nam thanh, nữ tú ở thủ đô Hà Nội được ăn học đàng hoàng, đủ để nhận biết bản thân cần làm gì và nên làm gì để xứng đáng với cộng đồng, xã hội và đất nước nhưng lại hành động vô cùng đáng trách.

PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết, việc phòng chống dịch là vô cùng cấp bách của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đặc biệt là ở vùng có dịch.
Ông Nam cho rằng, chủ trương 5K của Bộ Y tế là hoàn toàn chính xác và Nhà nước có những quy định rất chặt chẽ để xử lý các vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Cho nên, một bộ phận trai gái thanh niên tụ tập ở bãi đá sông Hồng và nhiều nơi khác, vi phạm quy định về phòng chống dịch cần đáng bị lên án mạnh mẽ.
“Chúng ta không chỉ giữ gìn cho bản thân mà còn có trách nhiệm bảo vệ cho cộng đồng. Những người vi phạm cần phải có chế tài nghiêm khắc. Họ không nhìn thấy vai trò của cộng đồng, không bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, tính mạng của người dân. Việc tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách dễ mang lại tai họa cho cộng đồng. Hành vi đó không chỉ có tội, thiếu trách nhiệm mà còn thiếu văn hóa” – PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
Ông cho rằng, một bộ phận thanh niên thường có thói xấu “dễ dãi với bản thân nhưng lại khó tính với người khác”. Khi thấy thông tin ca nhiễm lây lan cho cộng đồng, họ lên mạng bày tỏ thái độ, lên án dữ dội nhưng thực tế bản thân họ cũng không chấp hành nghiêm.
“Mỗi con người cần phải có trách nhiệm với cộng đồng từ hành động đến lời nói. Hành động phải xuất phát từ sự hiểu biết, từ trái tim với cộng đồng, đồng bào và đất nước và đối với người mà anh tiếp xúc. Cần phải rung chuông đối với các bạn trẻ chém gió rất ghê nhưng hành động lại thiếu ý thức, ngụy biện rất cao không phù hợp với bối cánh hiện tại.”, ông Nam nói.
Hải Ninh
Nguồn bài viết:
https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hang-tram-trai-gai-tu-tap-bai-song-giua-covid-19-song-hong-hay-song-hang-1540714.html
Thẻ:, ,