GS.NGND PHAN HỮU DẬT

0 Comments

GS.NGND PHAN HỮU DẬT

GS Phan Hữu Dật sinh ngày 01 tháng 6 năm 1928 tại làng Thanh Lương bên dòng sông Bồ, Thừa Thiên Huế (nay là làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, thi ca, hiếu học và cách mạng.

Tiếp thu truyền thống gia đình và quê hương, năm 17 tuổi, Ông đã tham gia phong trào cách mạng, đấu tranh giành chính quyền ở kinh đô Huế. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, người trí thức trẻ tuổi giàu tinh thần và nhiệt huyết cách mạng ấy đã tham gia công tác giáo dục và gánh vác trách nhiệm quản lý từ rất sớm với cương vị là Hiệu trưởng trường cấp II vùng căn cứ du kích tại xã Phong Phú, huyện Phong Điền. Từ năm 1953, Ông là cán bộ Sở Giáo dục Liên khu IV, phụ trách giáo dục vùng địch hậu Bình Trị Thiên.

Năm 1954, Thầy giáo trẻ Phan Hữu Dật  được cử đi học tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Tiếp đó, trong 8 năm, từ năm 1955 đến năm 1963, Ông học tập và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp danh tiếng của Liên bang Xô-viết, và trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Dân tộc học. Không chỉ nổi tiếng về trình độ khoa học, có kiến thức sâu rộng về Dân tộc học, GS. Phan Hữu Dật còn tự trang bị cho mình kiến thức và tư duy khoa học liên ngành gồm nhiều lĩnh vực: Sử học, Khảo cổ học, Văn hóa học. Ông cũng là chuyên gia sử dụng thông thạo cả ba ngoại ngữ: tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Trong hơn nửa thế kỷ công tác, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, GS. Phan Hữu Dật từng đảm nhiệm nhiều cương vị quản lý: Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Bí thư liên Chi ủy Khoa Lịch sử, kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-1975). Năm 1975, đất nước thống nhất, Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước tin cậy cử vào Nam tiếp quản Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, đảm nhiệm cương vị: Trưởng ban phụ trách Viện Đại học Sài Gòn, Trưởng ban phụ trách Đại học Văn khoa Sài Gòn, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Từ năm 1977, GS. Phan Hữu Dật trở về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được phân công đảm nhiệm cương vị Phó Hiệu trưởng, rồi Quyền Hiệu trưởng và Hiệu trưởng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988), đồng thời kiêm nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986-1988); Ủy viên Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Ban Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó Tổng biên tập và Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam từ năm 1994 cho đến khi nghỉ hưu.

GS. Phan Hữu Dật từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của các tổ chức khoa học: Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam, Quyền Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội khóa I, …

Không chỉ là một nhà quản lý giáo dục tài danh, GS. Phan Hữu Dật còn là một trong những chuyên gia, nhà nghiên cứu Dân tộc học có uy tín lớn, đầu ngành của Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của Ông đã đặt nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nền Dân tộc học hiện đại. Trên 100 công trình nghiên cứu Dân tộc học của GS. Phan Hữu Dật đã bao quát nhiều vấn đề cơ bản, cốt lõi của nghiên cứu Dân tộc học, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới. Ông có những đóng góp rất quan trọng trong nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, lịch sử và văn hóa của nhiều tộc người, văn hóa và phát triển của quốc gia, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhiều công trình nghiên cứu của Ông có tính lý luận và thực tiễn cao, khái quát một cách toàn diện và giàu sức thuyết phục về những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đó, không chỉ thể hiện sự uyên bác về học thuật, chặt chẽ, sắc bén về lý luận, giữ đúng nguyên tắc về tư tưởng mà còn giàu ý nghĩa và tư duy thực tiễn. Nhiều kết quả, phát hiện khoa học đã được Ông trình bày tại nhiều diễn dàn khoa học trong nước và quốc tế.

GS. Phan Hữu Dật là người trực tiếp tham gia và làm chủ nhiệm các công trình, đề tài khoa học quan trọng cấp Nhà nước như: Văn hóa Việt Nam trong sự phát triển sắc thái văn hóa vùng và tộc người; Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc, sắc tộc trên thế giới và ở nước ta hiện nay; Chính sách dân tộc của Đảng. Giáo sư đồng thời là thành viên của gần mười đề tài khoa học cấp Nhà nước và chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học khác.

Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, GS. Phan Hữu Dật đã tham gia tư vấn cho nhiều chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về các vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.

Ông cũng dày công nghiên cứu những bài học kinh nghiệm trên thế giới và chỉ ra những đặc điểm cốt lõi trong mối quan hệ dân tộc ở nước ta, đưa ra nhiều đề xuất và kiến nghị có tính thuyết phục để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Những thành quả nghiên cứu này được ông chia sẻ, tư vấn cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Hơn nửa thế kỷ qua, ông đã dành trọn cả cuộc đời và toàn bộ tâm huyết cho nền Dân tộc học và Nhân học Việt Nam. Giáo sư Phan Hữu Dật là người đã có đóng góp đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc đối với sự hình thành và phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam hiện đại. Ông là người Việt Nam đầu tiên biên soạn giáo trình Cơ sở Dân tộc học (1973) làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học trong cả nước trong hơn 30 năm. Từ cuối những năm 1990, Ông tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi Dân tộc học sang Nhân học ở Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Ông đã tham gia đào tạo, truyền nghề và sự đam mê, nhiệt huyết cho hàng nghìn cử nhân Dân tộc học, Nhân học và Sử học. Dưới sự hướng dẫn khoa học của Giáo sư, nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà khoa học, quản lý và giáo dục có tên tuổi, nắm giữ những cương vị quan trọng trong nhiều lĩnh vực công tác khác nhau.

Trong những năm cuối đời, Ông dành tặng toàn bộ thư viện đồ sộ của mình cho Khoa Nhân học, sáng lập Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật mỗi năm trao nhiều phần thưởng cao quý cho sinh viên đại học và sau đại học ngành Nhân học. Đồng nghiệp và học trò luôn tìm thấy ở Ông không chỉ là trí tuệ mẫn tiệp và sự lao động miệt mài sáng tạo của một nhà khoa học chân chính mà còn tìm thấy ở Thầy hai chữ Tâm –  Đức của một Nhà giáo, Nhà khoa học, Nhà thơ Thanh Lương – Phan Hữu Dật.

Nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà thơ Phan Hữu Dật là hình ảnh tiêu biểu của người trí thức cách mạng trưởng thành dưới nền dân chủ mới. Ông là một trong những người đã góp phần làm rạng danh cho nền đại học và khoa học nước nhà nói chung, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Với những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi, luôn vượt lên chính mình, Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Phó giáo sư (1980), Giáo sư (năm 1996); Nhà giáo Ưu tú (1992), Nhà giáo Nhân dân (2008); Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì (1975) và hạng Ba (1964), Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động hạng Ba (1985), Huận chương Lao động hạng Nhất (1988); Huy hiệu 70 tuổi Đảng; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005). Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Liên bang Xô-viết), Đại học Paris VII (Cộng hòa Pháp) trao tặng Ông danh hiệu Giáo sư Danh dự. Tên ông được đưa vào từ điển Who’s Who của Mỹ.

 

Thẻ: