HỌC VIÊN CAO HỌC LÀO BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN HỌC

0 Comments

 

HỌC VIÊN CAO HỌC LÀO

BẢO VỆ THÀNH CÔNG LUẬN VĂN THẠC SĨ NHÂN HỌC

 

Ngày 30 tháng 8 năm 2022, học viên cao học đến từ Cộng hòa Dân chủ Nhân Lào Somsaiy VONGBUPHA đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ chuyên ngành Nhân học tại Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu của Vongbupha Người Việt Nam di cư buôn bán tại chợ Đao Hương, thành phố Pakse, tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào do TS Đinh Thị Thanh Huyền hướng dẫn, đã được Hội đồng chấm luận văn cao học của Trường đánh giá cao.

Người Việt Nam di cư ra các nước láng giềng trong lịch sử và những năm gần đây là mối quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu khoa học mà cả những người làm chính sách về xuất nhập cảnh và an sinh xã hội. Đã có một số nghiên cứu về người Việt Nam di cư ở Lào, Thái Lan và Trung Quốc nhưng những nghiên cứu này chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp. Những quan sát trực tiếp, thu thập thông tin và giải thích văn hóa từ góc nhìn của người địa phương nơi tiếp cư vẫn còn khá hạn chế. Luận văn của Somsaiy Vongbupha đã góp phần khắc phục hạn chế này bằng một nghiên cứu công phu dựa trên phương pháp điền dã dân tộc tại một điểm tập trung đông người Việt Nam làm ăn buôn bán là chợ Đao Hương ở Tây Nam nước Lào. Mặc dù luận văn tập trung vào làn sóng di cư của người Việt sang Lào trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng được đặt trong bối cảnh địa-lịch sử của vùng Tây Nam Lào, đã góp phần khám phá quá trình di cư, cuộc sống buôn bán làm ăn và những thách thức đặt ra đối với cộng đồng người Việt làm ăn buôn bán tại Lào.

Trên cơ sở tài liệu thống kê thu được từ các cơ quan quản lý của chính quyền địa phương và khảo sát thực tế tại chợ, tác giả cho biết tại thời điểm năm 2022, chợ Đao Hương đang có 1.382 người Việt làm ăn buôn bán tại đây. Người Việt sở hữu tới 80% trong tổng số 800 gian hàng của chợ đầu mối lớn nhất vùng Tây Nam nước Lào này. Khoảng 79% người làm ăn buôn bán tại chợ Đao Hương là người Việt nhập cư có thời hạn. Họ lấy chợ làm địa bàn kiếm kế sinh nhai, vẫn quay trở về Việt Nam thăm gia đình vào các dịp tết, lễ và vận chuyển hàng hóa qua lại gữa Việt Nam và Lào. Khảo sát của tác giả cho thấy có đến 92% người làm việc buôn bán tại chợ Đao Huong cho rằng họ sang đây làm ăn là vì động cơ kinh tế. Hơn 40% số người Việt Nam buôn bán tại chợ này mang theo cả gia đình, gồm vợ chồng và các con. Những người di cư độc thân chỉ chiếm chưa đến 15%. Nguồn gốc xuất cư từ Việt Nam chủ yếu từ ác tỉnh có đường biên giáp với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Trung bình hàng năm các tỉnh này có khoảng 5.000 đến 6.000 lao động tự do đi làm việc tại Lào. Phần lớn người buôn bán tại chợ Đao Hương đến từ các tỉnh miền Trung của Việt Nam, trong đó, từ tỉnh Thừa Thiên – Huế chiếm 21,2%; từ Quảng Bình 18,6%; từ Quảng Trị 17%; từ Hà Tĩnh 15,8%, còn lại đến từ các tỉnh khác (27,4%). Có đến 56% người làm ăn ở chợ thuộc nhóm tuổi từ 30 đến 50 tuổi.

 

 

Ảnh: Học viên (đứng giữa) chụp ảnh chung với các thành viên Hội đồng chấm luận văn và các vị khách sau buổi bảo vệ.

 

Trên cơ sở tiếp cận mạng lưới xã hội và phân tích nguồn vốn sinh kế của người di cư, luận văn có những đóng góp mới quan trọng:

Thứ nhất, nó góp phần cung cấp những số liệu cập nhật đáng tin cậy về cộng đồng người Việt ở Tây Nam Lào và ở một địa bàn cụ thể có dân số gốc Việt tập trung cao là Thành phố Pakse và chợ Đao Hương;

Thứ hai, nó phân tích hoạt động kinh tế, xu hướng hội nhập và những thách thức với cộng đồng người Việt tại địa phương. Những phân tích về sự khác biệt văn hóa Lào – Việt và chính sách nhập cư cũng như những rào cản chính của quá trình hội nhập khá lý thú. Những phát hiện này đáng được ghi nhận như những đóng góp về lý luận và thực tiễn trong nhân học về di cư.

Luận văn có cấu trúc hợp lý và chuyển tải được những phát hiện chính thu được từ quá trình nghiên cứu. Là một người nước ngoài nhưng tác giả có lối văn phong tiếng Việt khá lưu loát và dễ hiểu.

Do khuôn khổ của một nghiên cứu làm luận văn thạc sỹ bị giới hạn về thời gian nghiên cứu thực địa và hoàn thành luận văn nên luận văn mới chỉ dừng lại ở việc nêu lên vấn đề hơn là giải quyết vấn đề, do đó làm cho luận văn nặng về mô tả và dàn trải. Thêm nữa, quan hệ giữa những người buôn bán ở Đao Huong và các chợ khác trong vùng cũng như mối quan hệ làm ăn giữa các nhóm người Việt, người Hoa và người Lào tại chợ chưa được đầu tư nghiên cứu thích đáng. Những vấn đề này có thể sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai khi tác giả có cơ hội để trở lại với đề tài này.

Đánh giá chất lượng khoa học của luận văn, Hội đồng chấm luận văn đã nhận định nghiên cứu của học viên Somsaiy VONGBUPHA đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của một luận văn thạc sỹ nhân học, bởi nó được phát triển trên cơ sở phương pháp điền dã dân tộc học bài bản và thu được những thông tin đáng tin cậy, có sự soi sáng của lý thuyết mạng lưới xã hội của người di cư, chứng tỏ tác giả đã làm chủ được vấn đề nghiên cứu và phương pháp khoa học.

Thành công của học viên Somsaiy Vongbupha cho thấy hiệu quả của hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Lào, đồng thời là một tấm gương đáng khích lệ cho các học viên Lào đang học tập và nghiên cứu tại khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nói riêng, tại Việt Nam nói chung.  Học viên Somsaiy cũng mong muốn được tiếp tục được làm việc dưới sự hướng dẫn khoa học của TS Đinh Thị Thanh Huyền và các nhà nhà nghiên cứu tại Khoa Nhân học, tiếp tục nâng cao trình độ ở bậc học cao hơn để trở lại phục vụ đất nước hiệu quả hơn.